“Cắn miếng bánh đa nghe giòn rụm, những hạt đường trắng tan dần rồi ngọt lịm nơi đầu lưỡi. Vị thơm bùi của vừng quyện với vị thanh mát của kê cùng với vị bùi bùi của đậu xanh như xua tan đi cái oi bức của mùa hè…”
- Mẹ ơi, con muốn ăn cái này!
- Ngon bổ gì mà ăn. Mất vệ sinh. Đi. Vừa nói bà mẹ trẻ vừa túm tay thằng bé dắt đi. Trước khi rời bước, cu cậu vẫn kịp gửi lại tôi ánh mắt thèm thuồng và tiếc nuối. Cầm chiếc bánh đa kê trên tay tôi hơi do dự một chút, không biết vì câu nói của người mẹ hay vì ánh mắt của thằng bé. Chị bán hàng cũng không mấy phiền lòng vì câu nói ấy, bởi với chị món ăn dân dã này vẫn là món “khoái khẩu” của những người yêu “ẩm thực dạo” và đây còn là món ăn “nhớ về Hà Nội” cho bất kỳ ai từng gắn bó và yêu quý mảnh đất này…
Lân la cũng ra câu chuyện, chị bán hàng vừa thoăn thoắt đôi tay phết kê, cắt đỗ, cho đường lên miếng bánh đa vừa cho biết, cách làm món này cũng không khó lắm nhưng cần sự cẩn thận, tỉ mỉ. Ngoài đậu xanh đồ chín, giã nhuyễn, bánh đa nướng, đường trắng thì kê là nguyên liệu quan trọng nhất của món ăn. Kê thường chọn loại hạt nhỏ, đều nhau đã xát sạch vỏ, sau đó về đãi sạch, đem ngâm. Muốn cho kê ăn mát và có vị nồng nồng đặc trưng thì phải ngâm với tỉ lệ một phần nước, hai phần nước vôi trong khoảng chừng 30 phút, vớt ra để ráo, cho kê vào nồi đổ một ít nước và đun lửa. Để kê có mùi thơm ngậy, vàng óng và quánh lại thì khi nấu phải quấy thật đều tay sao cho kê không bị nát quá, không bị khô quá. Phải chú ý canh lửa và khuấy sao cho kê không bị bén nồi, nếu không mùi khê sẽ át hết vị ngậy và thơm của kê.
Xưa kia, phố phường Hà Nội không náo nhiệt như bây giờ nên những người bán bánh đa kê thường vừa đi bộ vừa rao. Ngày nay, người ta nhận ra món ăn này qua hình ảnh túi bánh đa được treo lủng lẳng trên ghi đông xe đạp và đằng sau xe là chiếc thúng được chị bán hàng buộc gọn gàng. Mỗi lần có khách gọi ăn chị lại dừng chân và nhanh tay bẻ bánh, phết kê đều lên một nửa bề mặt của miếng bánh và thái những miếng đậu rắc đều lên mặt kê. Tùy sở thích ngọt, nhạt của khách hàng mà cho lượng đường phù hợp rồi bẻ gập nửa bánh đa chưa phết ấp vào mặt đã phết. Sự khéo léo của chị bán hàng được thể hiện ở chỗ là khi bẻ miếng bánh không bị vỡ vụn, đỗ và đường cũng không bị vương ra ngoài.
Mải nghe chuyện và nhìn chị làm tôi quên không ăn bánh. Chị bán hàng giục: “ăn đi không để lâu sẽ mất ngon đấy”. Bánh khi làm xong phải ăn ngay mới ngon, nếu chần chừ bánh đa sẽ bị ỉu, mất độ giòn, khi đó hương vị của kê lẫn đậu cũng giảm đi phân nửa. Cắn miếng bánh đa nghe giòn rụm, những hạt đường trắng tan dần rồi ngọt lịm nơi đầu lưỡi. Vị thơm bùi của vừng quyện với vị thanh mát của kê cùng với vị bùi bùi của đậu xanh như xua tan đi cái oi bức, làm hài lòng những vị khách yêu quà vặt.
Không được liệt vào món quà cao sang nhưng sự dân dã của bánh đa kê luôn là lựa chọn hấp dẫn cho chúng ta sau khi đã quá ngán ngấy với những thức ăn đầy dầu mỡ trong những ngày nắng như đổ lửa này.