Món quà này rất phổ biến tại các tỉnh ở miền Trung. Có nơi người ta còn kêu là bánh ú tro. Bánh như một thứ trái cây rất cần thiết để ăn tráng miệng, sau những bữa tiệc thịnh soạn vào ngày Tết. Không những thế, bánh còn như cốc nước mát có tác dụng giải rượu, bia khi lỡ vui quá đà.
Bánh cần nhất là tro, để có đủ lượng bột tro cần thiết, người ta phải dồn lại từ rất nhiều ngày trước đó và phải tuyển rất kỹ. Bột tro để làm bánh nhất thiết phải có màu trắng và mịn. Bỏ vào chum, vại ngâm với nước. Tro tan ngay và để cho qua ngày hôm sau thì lọc nước. Gạo nếp vo sạch, để ráo rồi ngâm vào thứ nước tro này. Sau một ngày thì vớt ra, những hạt gạo khi ấy có màu vàng, xối nước lại cho trôi đi những gì bám bên ngoài nếp, rồi tiếp tới là việc gói bánh.
Bánh tro được gói bằng lá chuối, nhỏ chỉ độ ngón tay. Bỏ bánh vào xoong nấu trên hai tiếng mới có thể vớt ra được. Có nấu kỹ như thế thì những hạt nếp mới nhuyễn nhừ, tan ra và kết dính lại với nhau, nhìn như một thỏi thạch trong suốt và có màu vàng rất ấn tượng.
Ở quê, người ta làm bánh tro rất nhiều. Bánh cột lại thành từng xâu, treo nơi thoáng đãng và ăn dần. |