Xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm bánh gai (người ta quen gọi bánh gai xứ Dừa). Nhiều năm trở lại đây việc phát triển nghề làm bánh gai xứ Dừa, giúp các hộ dân địa phương thoát nghèo và có cuộc sống khá giả.
Đã tồn tại từ lâu trên mảnh đất này, nghề làm bánh gai cũng có lúc thịnh lúc suy, nhưng dù thịnh hay suy nó vẫn gắn bó với mỗi con người nơi đây từ tấm bé. Với bà Ngô Thị Thanh Lịch đã 67 tuổi đời, gắn bó với nghề ngay từ khi biết cầm bóc chiếc bánh để ăn.
Cả đời bà chỉ biết sống với nghề, nếu không làm bánh gai bà không chắc có thể tạo dựng được kinh tế gia đình khá giả như ngày hôm nay. Là một người có thâm niên và tay nghề cao, nên những chiếc bánh của bà Lịch làm ra thường được khách ưa chuộng.
Bà cho biết “bánh ngon hay không là ở cái tâm của mình. Cho dù người có kỹ thuật làm bánh này đi nữa nhưng làm mà vì siêu lợi nhuận thì không thể tồn tại được lâu”.
Người làm bánh gai phải bỏ nhiều công sức vào từng khâu. Lá chuối sau khi thu mua về phải phân loại lau chùi từng lá cho sạch sẽ, xay nếp thành bột, đậu xanh ngâm nước giã vỏ, hái lá gai tươi về giã nát hoặc lá gai khô thì cho vào máy xay ra rồi trộn đều với bột nếp.
Sau khi nên bột nên hồ cho nhân đậu và một ít cùi dừa vào có vị thơm đặc trưng riêng của bánh gai xứ Dừa, lúc này người ta dùng lá chuối gói lại rồi được hông cách thuỷ, chiếc bánh cơ bản hoàn thiện. Mỗi cặp bánh gai giá chỉ 2.000 đồng.
Người làm nhanh có thể mỗi ngày làm được trên 400 cặp vẫn không kịp cho khách thập phương về đây mua hay những người qua lại trên tuyến quốc lộ 7A dừng chân thưởng thức. Bởi vậy, ở nơi này hình như không bao giờ vắng bóng người làm bánh gai từ người già đến trẻ em lúc nào cũng nhộn nhịp.
Ngày xưa, nhà ai làm bánh gai thì sẽ làm luôn cả công đoạn như hái lá chuối khô. Bây giờ, ở xứ Dừa này người làm bánh gai không tự hái lá chuối nữa mà tạo thêm công ăn việc làm cho những người nghèo khó. Người làm bánh gai thu mua lá chuối khô.
1kg lá chuối khô từ 3.500 - 4.000 đồng, bình quân một ngày có người được trên 100.000 đồng. Họ không chỉ hái trong huyện mà còn đi sang các huyện lân cận hái lá chuối khô về bán cho những người làm bánh gai ở xứ Dừa.
Chị Nguyễn Thị Hương 7 năm nay làm nghề hái lá chuối khô về nhập cho người làm bánh gai xứ Dừa tâm sự: “Nhà em chỉ có 3 mẹ con, cuộc sống trước đây còn cơ cực. Từ khi gắn liền nghề hái lá chuối khô đến giờ mấy mẹ con mới thoát được nghèo. Năm ngoái gia đình xây lại được căn nhà cũng từ tiền hái lá chuối khô tích góp lại đấy”.
Bây giờ, muốn ăn chiếc bánh lá gai, người ta có được nó bất cứ nơi đâu. Nhưng nếu ai đã một lần được ăn bánh gai ở xứ Dừa (Tường Sơn) hẳn không thể quên được hương vị ngọt ngào của nó. Cũng vị thơm của gừng, ngọt dẻo của đường, nếp, cùi dừa; cũng là lá gai nhưng hình như lá của những cây gai mọc bên núi đá hay trên vùng đất màu mỡ mới làm nên cái màu đặc trưng của bánh.
Có thể nói nghề làm bánh đã giúp người dân xứ Dừa có thêm thu nhập sau nghề nông, giúp cho những người con trong mỗi gia đình có thêm tiền để học hành thành đạt. Không chỉ vậy nghề làm bánh gai tạo thêm được nhiều việc làm cho người nghèo khó vươn lên thành khá giả