Nhiều gia đình do quá bận rộn, thường phải đi chợ một lần cho cả tuần. Như vậy, làm thế nào giữ được thực phẩm luôn tươi mới?
Chọn thực phẩm tươi ngon
Muốn lựa chọn thức ăn cho cả tuần, trước hết cần phải lên thực đơn cho 7 ngày, chia ra các nhóm thực phẩm như cá, thịt, tôm, trứng, bơ sữa, phô mai hay rau, củ, quả.
Theo TS Trương Hương Lan, Viện Công nghiệp thực phẩm, với nhóm cá, thịt, tôm nên chọn những con cá đang bơi, làm sạch, lấy giấy bản thấm khô, cuốn từng con vào ni long và xếp vào ngăn đá. Với thịt, nên chọn những miếng có màu đỏ hồng, ấn tay vào có độ đàn hồi, thịt không nhớt, không có mùi vị lạ. Làm sạch, lấy giấy bản lau khô và đóng túi, cho vào ngăn đá. Đối với tôm, tốt nhất là mua loại không bị rụng đầu, không nhớt. Bỏ đầu, rửa sạch, lau khô và cho vào tủ. Cùng với nhóm thực phẩm này nhưng là đồ đông lạnh thì nên xem kỹ bao bì. Thường thịt đông lạnh có thể bảo quản 3 tháng ở nhiệt độ -18oC, nhưng do quá trình chuyên chở, bảo quản, thời hạn này sẽ không được như mong muốn. Vì vậy, tốt nhất nên chọn đồ càng gần ngày sản xuất càng tốt.
Các thực phẩm trên được xếp trong ngăn đá có sự điều chỉnh nhiệt độ từ -6oC; -12oC hoặc -18oC, tuỳ theo khối lượng. Giữa các bao gói thực phẩm nên để khoảng cách để thực phẩm được làm lạnh đều. Các loại thực phẩm này nếu được làm chín nhưng để ăn dần cũng phải để vào ngăn của gian làm lạnh.
Với nhóm thực phẩm như sữa, trứng, phô mai… cần để ở ngăn sát ngăn đông lạnh, nhiệt độ ngăn này ở khoảng 6oC-12oC. Với rau quả, nên sắp xếp rau ăn trước, củ quả sau và bảo quản ở ngăn dưới bằng những túi đựng nilông để chống sự bay hơi nước làm rau khô héo, giảm mùi vị và chất lượng.
Rã đông đúng cách
Rã đông là khâu ảnh hưởng quan trọng tới chất lượng nguyên liệu. Rã đôgn có thể được thực hiện bằng cách tan đá nhờ nước và rã đông trong không khí. PGS,TS Phạm Công Thành – Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, khi rã đông trong không khí, vi sinh vật dễ xâm nhập và thời gian rã đông lâu hơn. Rã đông bằng nước có thời gian tan đá nhanh hơn, nước luôn lưu thông, vi sinh vật sẽ ít xâm nhập. Tốt nhất, trước một ngày sử dụng nên chuyển nguyên liệu từ ngăn đá xuống ngăn lạnh để rã đông. Rã đông bằng lò vi sóng cũng rất tốt vì điện trường cao tần sẽ gây nên nội ma sát trong bản thân thực phẩm, khiến thực phẩm nóng lên, tan đông nhưng không làm vỡ tế bào.
Trong bảo quản thực phẩm, cần lưu ý không làm đông hai lần. Rã đông thực phẩm, các tinh thể đá tan thành nước, phần nào đã phá vỡ tế bào của nguyên liệu. Khi đông lạnh lần thứ hai, nước lại tạo thành đá, việc ra đông lần hai khiến một số thành phần dinh dưỡng của thực phẩm bị trôi ra ngoài thông qua dịch bào và nước đá. Hơn nữa, khi rã đông, các vi sinh vật gây bệnh cũng phát triển nhanh.
Nếu không có thời gian rã đông, các bà nội trợ có thể nấu ngay. Nguyên liệu đang để lạnh bị chế biến nóng đột ngột cũng không làm mất nhiều chất dinh dưỡng, chỉ mất nhiều nhất là vitamin trong rau quả. Cho nên người tiêu dùng có thẻ yên tâm với một số loại sản phẩm được hướng dẫn sử dụng không cần rã đông trước khi nấu.